Ngành Hải quan tích cực chuyển đổi số tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Anh Tuấn
Kỳ 1: Cầu thị, lắng nghe và tháo gỡ thực chất
Với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hoạt động của chính quyền, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực sự đặt người dân, doanh nghiệp làm chủ thể cải cách hành chính. Những "điểm nghẽn" nhanh chóng được khơi thông, rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp.
Thời gian qua, vấn đề về điện sản xuất công nghiệp được nhiều doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp phản ánh. Ngay sau khi có ý kiến của Công ty TNHH Goryo Việt Nam ở Cụm công nghiệp Gia Vân (Gia Viễn) về tình trạng mất điện gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do UBND tỉnh tổ chức, lãnh đạo Sở Công Thương và các đơn vị chuyên môn đã làm việc với các bên liên quan là Công ty TNHH Thiên Phú (Chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp), Công ty TNHH Hải Nam (đơn vị bán lẻ điện trong Cụm công nghiệp) và Điện lực Gia Viễn để làm rõ nguyên nhân, bàn giải pháp tháo gỡ trên tinh thần "đồng hành cùng doanh nghiệp".
Đại diện Công ty Goryo Việt Nam, ông Hà Xuân Thành, Trưởng phòng Kinh doanh cho biết: Sau khi phản ánh về tình trạng mất điện gây trở ngại cho quá trình sản xuất, kinh doanh, Công ty đã nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước. Đến nay, tình trạng mất điện đột xuất không còn xảy ra. Chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình đã tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng để các doanh nghiệp FDI quyết định đầu tư sản xuất lâu dài tại địa phương.
Nhất quán quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả chủ trương cải cách hành chính, lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm, đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Với mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, Sở Công Thương đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng của Sở để các doanh nghiệp trên địa bàn được biết và liên hệ nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm, vai trò của ngành cũng như từng cán bộ, công chức, viên chức để cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết tận gốc vấn đề còn tồn tại trong thời gian sớm nhất.
Với quan điểm nhất quán, xuyên suốt "đồng hành, gắn bó, chia sẻ, hợp tác cùng phát triển", từ đầu nhiệm kỳ 2020- 2025 đến nay, nhiều cuộc kiểm tra, làm việc, tiếp xúc trực tiếp của người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền và các sở, ngành trong tỉnh để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những "điểm nghẽn" một cách thực chất cho doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch COVID - 19, cuộc xung đột trên thế giới, giúp doanh nghiệp yên tâm ổn định sản xuất, kinh doanh.
Là một trong những ngành "nhạy cảm" thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp, những năm qua Cục Hải quan Hà Nam Ninh đã tiên phong trong việc tổ chức đối thoại với doanh nghiệp vì mục tiêu "Đồng hành - công khai - minh bạch". Tại các buổi tiếp xúc, người đứng đầu ngành Hải quan Hà Nam Ninh đã trực tiếp giải đáp các câu hỏi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp xung quanh những vấn đề liên quan đến thủ tục xuất, nhập khẩu, các chính sách của Nhà nước khi có thay đổi để doanh nghiệp hiểu rõ. Nhất là đối với các doanh nghiệp FDI chưa nắm bắt, cập nhật kịp thời về chính sách đầu tư cũng như pháp luật của Việt Nam, Cục Hải quan Hà Nam Ninh đều giao rõ trách nhiệm cho cán bộ phụ trách. Đối với những vấn đề phức tạp, doanh nghiệp có thể gọi điện thoại hoặc gặp trực tiếp người đứng đầu ngành Hải quan Hà Nam Ninh. Ngoài ra, ngành Hải quan cũng tiếp tục duy trì Tổ tư vấn về thuế, Tổ giải quyết vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiệp vụ kê khai, tính thuế, kịp thời giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp.
Đồng chí Phạm Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nam Ninh cho biết: Lãnh đạo Cục thường xuyên giữ mối liên hệ với doanh nghiệp để nắm bắt, giải quyết kịp thời cũng như chia sẻ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó, ngành Hải quan đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin; hiện đại hóa thủ tục hải quan; đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm đơn giản quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất, nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp. Điều này đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp, không chỉ đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn mà đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu trên toàn quốc. Do đó, thu hút số lượng doanh nghiệp kê khai thuế tại Chi cục Hải quan Ninh Bình nói riêng và Cục Hải quan Hà Nam Ninh nói chung ngày càng tăng, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách mà tỉnh và Bộ Tài chính giao.
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn, năm 2021, lần đầu tiên tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương. Tuy nhiên, trong năm đầu thực hiện đánh giá, Sở Nông nghiệp và PTNT là một trong những đơn vị chưa xếp thứ hạng cao. Với quyết tâm nâng cao điểm số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương trong năm 2022, Sở Nông nghiệp &PTNT đã có nhiều giải pháp, trong đó một giải pháp quan trọng được ngành triển khai đó là tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến và đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT chia sẻ: Sự phát triển nhanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đặt ra bài toán cho các nhà quản lý "Làm sao để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đúng pháp luật, góp phần thu hút đầu tư?"... Trăn trở với điều đó, năm 2022 lần đầu tiên ngành Nông nghiệp tổ chức đối thoại với doanh nghiệp. Qua đó, lãnh đạo ngành Nông nghiệp muốn lắng nghe những chia sẻ của các doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc thực thi các chính sách của Nhà nước trong thực tế... Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu cho tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp trong điều kiện hiện nay. Đặc biệt, khi tỉnh Ninh Bình đang tích cực thực hiện Bộ chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương thì việc trao đổi thẳng thắn với doanh nghiệp, tháo gỡ những "điểm nghẽn" được xem là "chìa khóa" nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư trên địa bàn.
Những động thái trên cho thấy sự quyết liệt, đổi mới trong tư duy của các cấp, các ngành trong tỉnh, nhất là tư duy của người đứng đầu về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Điều này cũng thể hiện sự quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Bình về xây dựng chính quyền "kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động".
Theo baoninhbinh.org.vn